Văn hóa Diễn Châu

Lễ hội truyền thống

Lễ hội đền thờ An Dương Vương (Nghệ An) Đền Cuông: Địa điểm: Xã Diễn An, km 30 trên đường 1A Vinh - Hà Nội. Lễ hội diễn ra trong vòng ba ngày 13-14-15 tháng 2 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ vị Vua đã có công sáng lập nên quốc gia Âu Lạc.

  • Phần lễ: Chiều 14 tháng 2 âm lịch: Lễ yết cáo; đêm 14 tháng 2 âm lịch: Lễ yên vị; sáng 15 tháng 2 âm lịch: rước kiệu từ đình Xuân Ái, Diễn An và nhà thờ họ Cao, Diễn Thọ ra đền Cuông.
  • Phần hội: Diễn ra từ ngày 13 tháng 2 đến hết ngày 15 tháng 2 âm lịch gồm các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người, đánh vật, đánh đu... Cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như hát chầu văn, thi nét đẹp đền cuông, bóng bàn, kéo co, leo núi...
Đền Cuông

Đấu vật

Diễn Châu là vùng đất có rất nhiều lò vật và nhiều đô vật có tên tuổi. Hầu như ở xã nào cũng có làng có lò vật. Nho Lâm, Xuân Nho có lò vật lớn, là nơi có những lò lớn như Hậu Luật, Trung Phường, Vân Tập, Hạnh Kiều, Thư Phủ, Bút Trận, Vạn Phần, Kim Lũy, Đông Câu, Hữu Bằng, Lý Nhân, Thanh Bích, Kỳ Ngãi,...đều có lò vật. Đô vật có tiếng nhất ở Diễn Châu là ông Phó Ngà, ở làng Thư Phủ, thuộc xã Diễn Thái hiện tại. Ông ăn rất khỏe, một bữa ông ăn hết ba mươi nồi cơm và ba cái thủ lợn. Có rất nhiều giai thoại xung quanh đô vật này.

Một đô vật khác cũng có tiếng khác là Nguyễn Ngọc Chấn, quê ở làng Nho Lâm, từng làm Tri phủ Kiến Thụy nên mọi người thường gọi là ông Phủ Kiến. Ông rất khỏe, làm việc giỏi như ông Phó Ngà. Một mình ông ăn hết cả thúng cơm với rá cà muối và nhổ mạ cho dư mười người cấy. Có kẻ đi buôn mật, gánh hai chum mật để tỉ thí, khi thấy ông nâng bổng một con trâu mộng lội qua sông, liền biếu ông cả hai chum mật ấy rồi về. Có lần ông đã ôm một đô vật sừng sỏ của Nghi Lộc vứt ra khỏi đấu trường làm cho người này phải bỏ hẳn cả nghề làm đô vật.

Nhân vật dân gian

Nhiều nhân vật xuất xứ từ Diễn Châu được dân gian lưu truyền qua những mẫu chuyện và sự tích gắn liền với họ. Đó là những người đại diện cho dáng vóc, tâm hồn con người đất Diễn: cần cù, khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời, yêu quê hương đất nước.

  • Truyện ông Mân Nhụy: Truyện cười của ông Mân Nhụy mang sắc thái châm biếm nhẹ nhàng, sâu sắc. Tiếng cười của ông luôn hướng mũi dùi vào tầng lớp quan tham vô lại và đứng về phía nhân dân lao động.
  • Truyện ông Cố Bợ: Ông Cố Bợ là một nhân vật thần thoại. Ông Cố Bợ tượng trưng cho thần Lửa. Tương truyền, khi màn đêm buông xuống, ông cố Bợ đi về hướng Đông, lật ngửa cái nón xuống biển làm thuyền, dùng cành cây làm mái chèo, chèo tới chỗ mặt trời mọc và lấy lửa về cho mọi người. Ông còn trừng trị những người bẩn tính, hà tiện bằng việc dùng trò chơi khăm họ với lửa.
  • Truyện ông Chẹm: Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Thư. Cả xã Nho Lâm gọi ông là ông Chẹm. Ông Chẹm có sức khỏe hơn người. Những mẩu chuyện lưu truyền về ông thường gắn với các hành động tham gia các phong trào yêu nước của ông. Ông sống vào nửa sau thế kỷ XIX, đã từng tham gia phong trào Giáp Tuất (1874), Phong trào Cần Vương (1885).
  • Truyện ông Chắt Vạn: Ông Chắt Vạn người làng Trung Phường, nay thuộc xã Diễn Minh. Ông là người khí khái, thấy việc nghĩa thì làm, vừa có gan vừa có trí làm bao kẻ quyền thế sợ xanh mặt. Những chuyện kể về ông không ít. Có lần, ông đã đối diện với Chánh tổng người làng Sơn (tức làng Trường Sơn nay là xã Sơn Thành huyện Yên Thành) chuyên đi hiếp đáp dân lành, làm cho nó phải van lạy xin chừa.
  • Ông cố Truyền: tên thật là Phạm Luân, 1922 - 2017, người làng Đồng Tâm, Diễn Thịnh. Tương truyền ông ăn được cả rổ Khoai, nồi cơm lớn . Cày cấy cả ngày lẫn đêm, khai hoang cả vùng đất rộng lớn. Khỏe nổi tiếng cả vùng Nam Diễn Châu. Là gia đình Ngũ Đại Đồng Đường hiếm có.

Ngoài ra, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy: tương truyền, đây là nơi An Dương Vương dùng gươm giết Mỵ Châu trong lúc Triệu Đà cùng con trai là Trọng Thủy đang cầm quân truy đuổi.

Làng nghề

Diễn Châu là một huyện có rất nhiều làng nghề truyền thống. Một số làng nghề nổi tiếng như nghề đúc đồng ở Xóm Yên Thịnh, làng Cồn Cát (Diễn Tháp), nghề rèn ở Nho Lâm, Nước mắm Vạn Phần, nghề hát tuồng ở Lý Nhân,... Các làng nghề đóng cối xay, bện võng, đan bị, dệt vải, đan rổ rá, mộc, làm nón...

  • Cồn Cát (Diễn Tháp): Đúc đồng, gang đồ gia dụng và làm chiêng cồng. đồ thờ cúng.
  • Nhân Trai (Diễn Xuân): Làng trồng rau.
  • Vạn Phần: Nước mắm.
  • Phượng Lịch (Diễn Hoa): Nuôi tằm, Dệt vải, làm tơ lụa.
  • Tiền Tiến (Diễn Kim): Nuôi tằm, Dệt vải, làm tơ lụa.
  • Thanh Bích, Trang Thung: Đóng thuyền.
  • Diễn Kỷ: Chủ yếu là nghề đúc lưỡi cày
  • Văn Tập, Trung Phường: Nung vôi.
  • Đệ Nhất: Nề.
  • Nho Lâm: Luyện quặng sắt, rèn, đan rổ.
  • Tràng Thân: Đan bị, Mộc.
  • Hoàng La: Bện võng.
  • Tiền Song: Chắp gai đan lưới.
  • Phong Phú Trung: Dệt trủ.
  • Đông Xương: Đóng cối xay.
  • Đông Tháp (Diễn Hồng): Làm vàng vó, dệt vải, làm hương.
  • Yên Vinh: Làm trống.
  • No Nê: Đan bị.
  • Yên Sở: Nón, hương vàng, đồ mã...
  • Phú Hậu (Diễn Tân): Dệt chiếu.
  • Bút Trận, Thư Phủ: Mía mật.
  • Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn: Làm muối.
  • Mới Nu, Diễn Mỹ, Thừa Sủng, Lý Nhân: Hát tuồng.
  • Xuân Viên, Yên Sở: Làm nón.
  • Chùa cổ am: năm trên lèn hổ lĩnh diễn minh diễn châu nghệ an.
  • Liên Dương (Diễn Quảng): Làm bún.

Thơ văn về Diễn Châu

  • Thơ vè Diễn Châu:
"Hai Vai gánh vác giang san
Mộ Dạ Hiệp nghĩa gian nan coi thường
Sông Bùng chảy mãi yêu thương
Đền Cuông sừng sững tấm gương muôn đời
Hòn Ngư biển tận chân trời
Cửa Rào xanh ngát sáng ngời miền trung
Nghe bài Thăm Lúa hữu thung
Dạt dào Trọng Tạo hát cùng sông quê
Được mùa thi cử xum xuê
Thủ khoa bảng nhãn Văn Khuê lưu truyền
Cá tươi ăm ắp đầy thuyền
Sáo diều no gió chim Quyên hót mừng"

Trích thơ ông Trần Văn Hoàng - Tổng giám đốc City Group.